Saturday, 20/04/2024 - 01:00|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG THPT THỊ XÃ QUẢNG TRỊ. - ĐC: 146, ĐƯỜNG HAI BÀ TRƯNG, TX QUẢNG TRỊ, TỈNH QUẢNG TRỊ - ĐT: 02333861930
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

VAI TRÒ CỦA GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM TRONG GIÁO DỤC KĨ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH

A-ĐẶT VẤN ĐỀ:     

Vì sao phải rèn luyện kỹ năng sống cho HS trong nhà trường:         

            - Kỹ năng sống không phải là những gì quá cao siêu, phức tạp. Việc giáo dục kỹ năng sống cho HS bao gồm những nội dung hết sức đơn giản, rất gần gũi với các em, đây là những kiến thức tối thiểu để các em có thể tự lập trong học tập, vui chơi giải trí và sinh hoạt thường ngày.

            -  Mặc dù, hiện nay chúng ta trong thời đại Công nghệ-Thông tin và hội nhập quốc tế, HS có những hiểu biết khá phong phú nhờ truy cập Internet, nhưng kỹ năng sống của các em còn nhiều hạn chế. Ở lứa tuổi bắt đầu " bước vào đời", bắt đầu sống độc lập, làm việc và sẽ có những va chạm xã hội, các em cũng rất cần được trau dồi kỹ năng sống. Một trong những nội dung quan trọng của phong trào thi đua " Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" là việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để cung cấp kiến thức về kỹ năng sống cho học sinh; đặc biệt cho học sinh nữ nhằm giúp các em có kỹ năng tự bảo vệ trước những vấn đề xã hội có nguy cơ ảnh hưởng đến sữ khỏe và an toàn cuộc sống như: kỹ năng nhận diện một vấn đề, biết cách xác định tình huống, biết cách từ chối, kỹ năng xử lý mâu thuẫn, kỹ năng ra quyết định, biết nấu ăn, tự chăm sóc sức khỏe...

Theo một nghiên cứu mới được ngành giáo dục công bố, có trên 95% các em nhận thức chưa đúng về kỹ năng sống; 77,7% chưa bao giờ được đào tạo, tập huấn về kỹ năng sống; 76,4% trả lời rất cần được tập huấn kiến thức về kỹ năng sống. Hầu hết các em lúng túng khi trả lời hoặc chưa biết cách xử lý các tình huống thường gặp trong cuộc sống.


Từ kết quả này cho thấy, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ngày càng trở nên thiết yếu nhằm góp phần đào tạo “con người mới” với đầy đủ các mặt “đức, trí, thể, mỹ”, “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” hay “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”… Nhưng việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phải phù hợp với lứa tuổi, cấp học, văn hóa của từng vùng… sao cho học sinh cảm thấy gần gũi với cuộc sống của bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội, chứ không chỉ trên sách vở hay những lời nói suông.

Là một người giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm - người luôn được các bậc phụ huynh, học sinh nhìn nhận như người cha, người mẹ thứ 2 của học sinh bởi sự gần gũi với các em nên tôi nhận thấy tầm quan trọng rất lớn của việc nên giáo dục cho các em về kĩ năng sống thông qua những giờ sinh hoạt 15 phút, giờ sinh hoạt vv...Đó là lí do vì sao tôi chọn lựa đề tài này.

B-GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:

1. Những kỹ năng sống cần được giáo dục và rèn luyện cho HS:

                        + Kỹ năng giải quyết các tình huống đặc biệt khó khăn trong cuộc sống.

                        + Kỹ năng giao tiếp và thương thuyết

                        + Kỹ năng lựa chọn và quyết định

                        + Kỹ năng hợp tác và tìm kiếm sự giúp đỡ

                        + Kỹ năng rất cần thiết như: Kỹ năng nghe ,nói ,đọc, viết

2. Các hình thức giáo dục kỹ năng sống và rèn luyện cho học sinh:

                        + Gắn với các hoạt động học tập như: Những người yêu thích văn học, câu lạc bộ thơ văn, những nhà vật lí, toán học trẻ, sinh học và môi trường, thi tìm hiểu theo chủ đề ,….

                        + Gắn với các hoạt động giáo dục thể chất như: Bóng đá, bóng chuyền , cầu lông, võ dân tộc, du lịch (leo núi, bơi lội .), trò chơi dân gian,…

                        + Gắn với các hoạt động giáo dục thẩm mĩ như: hát múa, hát dân ca, vẽ, thơ, kịch, đặc san, báo tường, …..

                        + Gắn với các hoạt động giáo dục – nghề nghiệp như: Hướng nghiệp, giáo dục nghề truyền thống, địa phương,….

3. Giải pháp thực hiện :

       Một thầy, cô muốn hoàn thành nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm trước hết phải có tâm, có tấm lòng vì tình yêu thương con người, có sự độ lượng, bao dung, đồng thời phải giỏi về tâm lý lứa tuổi, có nhiều biện pháp giáo dục tinh tế. Cùng đó, giáo viên chủ nhiệm còn cần am hiểu và biết cách tổ chức giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.  Đối với những học sinh có biểu hiện lệch lạc về nhân cách, giáo viên chủ nhiệm chính là người thay mặt nhà trường cùng với gia đình có những biện pháp “kéo” các em trở về với “cái thiện”, hay giúp các em học tập những gương sáng xung quanh mình.

        Thầy cô giáo chủ nhiệm còn cần biết xây dựng đội ngũ cán bộ lớp, cán bộ Đoàn đội biết cách xây dựng điều hành một tập thể tự quản. Giáo viên chủ nhiệm còn phải biết ứng xử giải quyết đúng các mối quan hệ giữa các em học sinh với nhau, giữa học sinh với giáo viên, giữa giáo viên bộ môn với giáo viên chủ nhiệm; giữa giáo viên chủ nhiệm với Đoàn Thanh niên, cán bộ Đội thiếu niên… với cha mẹ học sinh. Và, giáo viên chủ nhiệm còn cần biết động viên, biết vận động thuyết phục. Thầy cô giáo chủ nhiệm là cầu nối quan trọng để kết nối 3 môi trường giáo dục: nhà trường, gia đình và xã hội.

         Làm chủ nhiệm là một nghệ thuật, đòi hỏi người giáo viên phải là tấm gương sáng về đạo đức, mẫu mực từ lời ăn tiếng nói, tác phong làm việc cho đến trình độ chuyên môn; quan hệ với học trò như là một người bạn lớn, vừa gần gũi, vừa đáng tin cậy; kiên trì trong giáo dục học sinh theo kiểu mưa dầm thấm lâu; giáo dục đạo đức phải trở thành thói quen của mình. Có người thì quan niệm rằng, sau cha mẹ, thầy cô là người gần gũi với HS hơn ai hết nên hiểu các em và nắm rõ hoàn cảnh để có định hướng đúng trong dạy dỗ là then chốt của thành công trong giáo dục.

 

     Nếu như trước đây, nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm chủ yếu là định hướng, hướng dẫn hành vi đạo đức cho học sinh, thì ngày nay, ngoài công tác chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm còn phải kiêm thêm nhiều công việc không tên khác từ việc học đến nề nếp, tâm tư tình cảm, giải quyết những tình huống phát sinh của học sinh trong lớp. Vì thế ngoài việc đầu tư vào môn dạy của mình sao cho vừa đảm bảo nội dung lên lớp vừa tạo sự hấp dẫn, sáng tạo, mới mẻ… có phương pháp giáo dục hợp lý, linh hoạt, hiểu biết tâm lý học sinh. Và điều không thể thiếu là phải có tâm huyết và tình yêu thương đối với học sinh.  

 

          - Căn cứ vào nội dung chương trình của Bộ GD&ĐT, đồng thời thấy được tính thiết yếu của việc giáo dục này, tôi đã:

            - Tăng cường giáo dục kỹ năng sống thông qua các hình thức dạy học của mình, đồng thời lồng ghép vào các giờ sinh hoạt để giáo dục đạo đức và nhân cách cho học sinh trong và ngoài nhà trường.

            - Xây dựng quy chế hành vi giao tiếp giữa "Thầy với thầy, trò với trò, thầy với trò" gần gũi thân thiện, rèn luyện kĩ năng ứng xử văn hóa, lên án mọi hành vi bạo lực học đường và xã hội.

            - Thường xuyên liên hệ với cha mẹ học sinh, kịp thời nắm bắt thông tin, diễn biến tâm sinh lí của học sinh, thông qua các hoạt động hưởng ứng phong trào " Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực" để rèn luyện cho học sinh kỹ năng ứng xử, rèn luyện sức khỏe, ứng xử văn hóa, phòng chống bạo lực, tệ nạn xã hội ….

            - Nâng cao ý thức tự nguyện, tự giác, tự chủ phát huy được tính tích cực trong mọi hoạt động rèn luyện kỹ năng sống của thầy cô giáo và HS. Giáo dục cho HS nhận thực được lợi ích của rèn luyện kỹ năng sống là có lợi về mọi mặt: cho bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. Đồng thời biết quan tâm chia sẻ để cả tập thể cùng rèn luyện

            - Giáo viên chủ nhiệm phải thực sự đổi mới phương pháp trong việc thực hiện các hoạt động ngoài giờ lên lớp, tạo điều kiện để học sinh rèn luyện, tự rèn luyện. Coi trọng tự rèn luyện, động viên khuyến khích học sinh kịp thời. Ví dụ như giáo dục cho các em không qua bi quan sau những vi phạm của mình mà phài lấy đó là một bại học để rút kinh nghiệm. Hoặc trong mộtbài nghe chương trình Tiếng anh 11 có đề cập đến một kĩ năng sống là phải biết cách quản lí thời gian, tôi chú trọng ngay đến vấn đề dành nhiều thời gian của cá nhân cho việc học, chứ không quá sa đà vào các trò chơi điện tử vô bổ....

            - Cách rèn luyện kỹ năng cho HS được phát triển từ dễ đến khó. Như mục cùng góp ý trong giờ sinh hoạt, tôi yêu cầu “Em hãy nói vài ý kiến của mình về những vi phạm của các bạn trong tuần vừa qua ”. Ban đầu, các em còn nói năng lí nhí, mắt không dám nhìn thẳng, gương mặt căng thẳng, sợ hãi vì lần đầu tiên phải nói trước đám đông. Nhưng sau vài lần, các em  không còn những cái nhìn ái ngại, dạn dĩ hơn, cảm thấy tự tin và câu nói chắc gọn, cộng thêm một môi trường giáo dục thân thiện hoà đồng, cho phép các em tiến đến gần và hoà nhập với nhau, sau đó là những điều khác như đóng góp ý kiến cho tập thể, ý tưởng độc đáo cho các hoạt động của lớp phong phú hơn, hiệu quả hơn và đặc biệt kỹ năng làm việc đồng đội, các em được trang bị lý thuyết cụ thể, rồi thực hành để hiểu. Với kỹ năng làm việc đồng đội, các em được tập làm việc để biết cách hợp tác và chấp nhận lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh. . Mục đích quan trọng nhất là giúp các em tự tin hơn, tự lập hơn trong cuộc sống, đây là điều rất cần thiết trong cuộc sống của các em sau này.

            - Ngoài ra, tôi có đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống của HS cho các bậc phụ huynh vào những lần họp phụ huynh; cung cấp cho các bậc phụ huynh những kiến thức và phương pháp chăm sóc, giáo dục con em phù hợp với đặc điểm từng độ tuổi, đặc biệt phát hiện sớm những biểu hiện rối loạn tâm thần ở HS, các bệnh tật học đường; cung cấp địa chỉ những dịch vụ hỗ trợ tại cộng đồng để giúp gia đình và xã hội tham gia chăm sóc giáo dục con em tốt hơn.

            - Trong thời gian gần đây hay nhắc đến vấn đề thiếu kỹ năng sống trong HS, trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Vì vậy tôi trang bị cho các em một nhận thức mới rằng: Sống trong xã hội, thì ai cũng có thể có những sai lầm và bất cứ lúc nào, ở đâu đó cũng sẽ có những hành vi không chuẩn mực, vì thế HS phải biết bảo vệ mình, biết cảnh giác, có óc hoài nghi một cách khoa học, không phải hoài nghi bi quan, xa lánh và phản biện. Nhưng không chỉ các em mà cả nhiều bậc phụ huynh, thậm chí ngay cả các thầy cô giáo cũng đang thiếu kỹ năng này. Muốn như thế, chính các bậc phụ huynh, thầy cô cũng phải tự trang bị cho mình kỹ năng sống, không được suy nghĩ một cách chủ quan và hời hợt. Phải khẳng định rằng nhà trường không có trách nhiệm phải bồi dưỡng, trang bị những kỹ năng sống cho các giáo viên để dạy họ phải biết ứng xử với học sinh. Nhưng bản thân các thầy cô, các ban ngành đoàn thể và các bậc phụ huynh phải có trách nhiệm trang bị cho nhau những kiến thức loại này.

            - Học và rèn luyện kỹ năng sống là ưu tiên hàng đầu của HS trong độ tuổi từ đầu cấp 1 đến hết cấp 3 mà Bộ GD&ĐT đã quan tâm. Bên cạnh những kiến thức văn hoá được trang bị, hầu hết các bậc phụ huynh đều muốn con cái ngày càng tự lập và được đào tạo từ bé. Những kỹ năng sống rất quan trọng nhưng các em không được học trong nhà trường, vì coi học văn hoá là quan trọng. Nhưng nếu các em không biết chủ động, độc lập thì điều đó còn nguy hiểm hơn là thiếu văn hoá. Ra đường chúng không biết phải làm thế nào cho an toàn, làm sao để tránh người lạ lợi dụng, làm sao đối phó với những tình huống đơn giản, … Đây là những kiến thức bổ trợ văn hoá, và quan trọng nhất các em có thể ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày để sống an toàn hơn khi không có bố mẹ bên cạnh. 

            - Thực ra, Ở các nước phát triển, trẻ em sống rất độc lập, vì thế chúng tránh được nhiều rủi ro đáng tiếc. Nhưng ở Việt Nam, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức. Theo chỉ thị số 40/2008/Bộ GD&ĐT đưa vào nôi dung rèn kỹ năng sống cho HS, vì nhận thấy có nhiều trẻ em bị xâm hại, bị lạm dụng chỉ vì thiếu kỹ năng sống. Đã đến lúc dạy cho HS kỹ năng sống để các em không bị sốc trong mọi hoàn cảnh. Cái trước tiên cần làm là chuẩn bị cho các em tâm lí chủ động để tiếp nhận cuộc sống, như chuyển lớp, chuyển thầy cô giáo chủ nhiệm, chuyển cấp, chuyển trường hoặc khi tham goa các họat động ngòai giờ lên lớp, sinh hoạt tập thể...

            - Tuy nhiên, hiệu quả đào tạo kỹ năng sống không đo đếm được bằng những con số chính xác nhưng được thể hiện bằng những biểu hiện cụ thể. Khi về nhà, các em có ý thức, thái độ khác với mọi người trong gia đình không? Với bạn bè, có hoà đồng hơn không? Khi nói năng, có tự tin hơn không? Có biết tránh những người lạ hay không? vv... Đó chính là hiệu quả đào tạo kỹ năng sống. Trong khi đó, để tạo thành kỹ năng, phản xạ tốt thì cần phải được rèn luyện thường xuyên, liên tục đến mức thuần thục. Do đó, vai trò gia đinh là không thể thiếu và giữ vị trí rất quan trọng. Việc rèn luyện kỹ năng sống cho HS tiến bộ và đạt hiệu quả đến đâu phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ thầy cô giáo, cách giáo dục mỗi trường, văn hoá sống của mỗi gia đình. 

 

 

C-KẾT THÚC VẤN ĐỀ:

             Kỹ năng sống vừa mang tính cá nhân vừa mang tính xã hội, nó cần thiết đối với thanh thiếu niên để họ có thể ứng phó một cách tự tin, tự chủ và hoàn thiện hành vi của bản thân trong giao tiếp, giải quyết các vấn đề của cuộc sống với mọi người xung quanh mang lại cho mỗi cá nhân cuộc sống thoải mái, lành mạnh về thể chất, tinh thần và các mối quan hệ xã hội khi môi trường thân thiện, dễ hoà đồng và cảm hoá lành mạnh.

Hơn nữa, vấn đề giáo dục kỹ năng sống còn cần đến vốn sống, tình thương và nhân cách của người thầy. Học sinh học kiến thức ở thầy trước hết là ở tấm gương sống của người thầy. Vì vậy, để học sinh không thất vọng vì thầy thì trước hết “mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” mà ngành Giáo dục đang vận động.

 

              Làm được như vậy, tôi nghĩ rằng Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh không những không làm quá tải trong chương trình giáo dục mà còn đem đến cho người học sự hứng thú, sôi nổi và niềm vui trong học tập. Người học đã hứng thú và tự giác thì chắc chắn việc giáo dục kỹ năng sống cho người học sẽ thực chất và hữu ích, mục tiêu giáo dục toàn diện sẽ đạt được hiệu quả như mong muốn.

           


Thị xã Quảng Trị ngày 20 tháng 2 năm 2011

                                                                                        Người viết

 

                             

 

                                                                                         Võ Thị Thu Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết